Tin tức

6 LƯU Ý KHI THIẾT KẾ NHÀ TẮM AN TOÀN CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Phòng tắm là nơi thư giãn tuyệt vời sau 1 ngày dài căng thẳng, mệt mỏi nhưng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm đặc biệt là đối với người cao tuổi. Do đó, việc thiết kế phòng tắm vừa thuận tiện lại vừa an toàn khi sử dụng cho người già là điều vô cùng cần thiết.

Dưới đây là 1 số điều mà các gia đình cần lưu ý:

1. Thiết kế vị trí thuận tiện

Phòng tắm của người già không cần thiết kế quá cầu kỳ, bắt mắt nhưng phải đảm bảo tuân theo tiêu chuẩn thiết kế, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. Vì vậy, nó thường được bố trí ở vị trí thuận tiện nhất.

Nếu gia đình có diện tích rộng nên thiết kế phòng tắm ngay trong phòng ngủ hoặc thiết kế ở nơi gần phòng ngủ nhất. Đối với nhà tầng, vị trí phòng ngủ và phòng tắm cho người già sẽ luôn ở tầng trệt để không phải leo lên cầu thang bất tiện và nguy hiểm.

Lối đi cũng cần phải đảm bảo đủ ánh sáng, đi lại dễ dàng, thiết kế rộng rãi, không có rào chắn gây cản trở ngay cả khi sử dụng xe lăn.

2. Cửa ra vào đóng mở dễ dàng

Hiện nay có rất nhiều loại cửa trượt đóng mở thuận tiện, không tốn nhiều sức, thích hợp sử dụng cho cả gia đình. Có thể chọn tay cửa gạt thao tác đơn giản, dễ dàng mở cửa thay vì tay cửa núm vặn khó sử dụng đặc biệt khi tay ướt.

Ngoài ra, với phòng tắm cho người cao tuổi, bạn nên thiết kế cửa có thể mở được từ bên ngoài và có ô kính giúp dễ dàng quan sát hoặc tháo bỏ khóa cửa để kịp thời trợ giúp trong những trường hợp khẩn cấp.

3. Sử dụng gạch lát sàn chống trơn trượt

Sàn phòng tắm thường là 1 trong số những tác nhân gây tai nạn nhiều nhất nếu không được vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo khô ráo. Do đó, để thiết kế nhà tắm an toàn thì gạch lát sàn là 1 trong những yếu tố cực kỳ quan trọng. 

Bạn cần sử dụng các loại gạch lát có thể dễ dàng cọ rửa, có độ nhám cao như gốm sứ, sàn cao su, ván xi măng,… và đặc biệt cần có thêm rãnh thoát nước. Các gia đình cũng cần chú ý đến màu sắc của gạch với các thiết bị vệ sinh trong nhà tắm để đảm bảo độ tương phản, tránh gây nhầm lẫn cho người già bị giảm thị lực. 

4. Lắp bồn cầu và bồn rửa ở vị trí thích hợp

Với những nhà tắm tích hợp cùng nhà vệ sinh thì vị trí bồn cầu cần lắp cao hơn so với bình thường giúp cho người già có thể dễ dàng đứng lên ngồi xuống. Cùng với đó, chiều cao lý tưởng để lắp bồn cầu trong khoảng 46cm và cần đảm bảo gắn chắc vào sàn nhà hoặc tường.

Tương tự với tay nắm cửa ra vào, bồn rửa mặt nên sử dụng các loại cần gạt hoặc vòi nước cảm biến điện tử thay vì vòi xoay thông thường. Mặt khác, cần lắp bồn rửa và vòi nước ở vị trí vừa tầm để có thể đóng mở dễ dàng. 

5. Lắp đặt thêm các thanh vịn

Thanh vịn được coi là điểm tựa không thể thiếu giúp hỗ trợ người cao tuổi trong việc đi lại. Nên lắp thanh vịn bằng nhôm hoặc thép không gỉ với chiều cao thích hợp khoảng 1,1-1,3m.

Có thể bố trí tay vịn ở các khoảng trống trên tường dẫn tới các vị trí cần thiết như bồn rửa mặt, bồn cầu, vòi hoa sen,…..

 6. Sử dụng hệ thống báo động

Đây là yếu tố rất quan trọng ngay cả khi bạn đã thực hiện được đầy đủ các quy tắc đảm bảo an toàn trên. Để dự trù được tình huống xấu nhất có thể xảy ra, bạn nên thiết kế chuông báo động, nút khẩn cấp hoặc lắp đặt các thiết bị cảm biến trong phòng, sử dụng tự động hóa để kiếm soát được tình hình.

 

Thiết kế phòng tắm cho người cao tuổi có thể đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng cũng không thể đại khái, qua loa. Vì vậy, hi vọng sau bài viết trên, các gia đình đã có thêm những thông tin hữu ích khi thiết kế nhà tắm an toàn cho người cao tuổi. Và khi tiến hành xây dựng, bạn nên tham khảo thêm những ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực và đối tượng sử dụng để có phương án tối ưu nhất.

Tin tức cũ hơn